Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: Các quyết định của Thủ tướng đều cân nhắc kỹ lưỡng, có chứng cứ minh bạch và có sự công bằng, tính toán đến lợi ích của các phía, trong đó sức khỏe người dân là trên hết.
Những góc nhìn đa chiều
Tại hội thảo, mức độ độc hại và ảnh hưởng của các sợi khoáng amiăng trắng đối với sức khỏe con người được đề cập. Theo đó, amiăng có 2 nhóm là amiăng amphibole (nâu, xanh hay còn gọi chung là amiăng màu) và amiăng chrysotile (amiăng trắng). Hai nhóm này khác nhau về hóa học, khoáng vật học và tinh thể học vì vậy mức độ gây ảnh hướng đển sức khỏe con người khác nhau.
Hơn 30 năm qua, trên thế giới song song tồn tại hai quan điểm trái ngược nhau, chống đối nhau về amiăng. Quan điểm thứ nhất của những tổ chức, cá nhân chống amiăng là cấm hoàn toàn sử dụng amiăng. Hiện có 54 nước theo quan điểm này.
Quan điểm thứ hai là chỉ cấm amiăng màu và cho phép sử dụng amiăng trắng có kiểm soát theo Công ước 162 năm 1986 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Hiện có 149 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn ¾ dân số thế giới đang theo quan điểm này, cho phép sử dụng amiăng trắng và các sản phẩm chứa amiăng trắng, trong đó có các nước G8 như Mỹ, Canađa, Nga…
Tại Việt Nam, amiăng trắng được sử dụng nhiều nhất trong sản xuất tấm lợp amiăng xi măng
Với những tính năng ưu việt vượt trội như độ bền cơ học và tính đàn hồi cao, chịu ma sát tốt, chống cháy, chịu được môi trường kiềm, cách điện, khó phân hủy, ngăn cản vi khuẩn và sự tán xạ, amiăng trắng được coi là loại nguyên liệu đầu vào tốt, đến nay chưa thể thay thế được bởi loại sợi tự nhiên hay sợi nhân tạo nào.
Amiăng trắng đang được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, trong các ngành công nghiệp sản xuất tấm sóng, tấm phẳng (tấm trần, vách ngăn), ngói lợp fibrô xi măng, ống cấp và thoát nước, vật liệu chịu ma sát, vật liệu cách điện, cách nhiệt, vật liệu chống cháy, sản phẩm dệt may, áo cứu hỏa và một số ngành công nghiệp xây dựng, đóng tàu, ô tô, hàng không…
Tại Việt Nam, sợi amiăng trắng được sử dụng chủ yếu trong sản xuất tấm lợp amiăng xi măng (AC). Hiện nay, cả nước có 41 cơ sở sản xuất tấm lợp AC, năng lực sản xuất khoảng 106 triệu m2/năm và tạo công ăn việc làm cho hơn 5 nghìn lao động.
TS Võ Quang Diệm (Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam) cho biết: Tấm lợp AC có chất lượng tốt, khả năng chống xuyên nước tốt, độ bền cao, chịu được những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết nên tuổi thọ cao, lên đến 30 – 50 năm.
Ít có loại tấm lợp nào có thể cạnh tranh được với tấm lợp AC về giá. Tấm lợp AC rẻ chỉ bằng 1/3 giá tôn mạ màu loại dày 0,4mm và càng thấp hơn nữa so tôn có lớp chống nóng; thấp hơn từ 40 - 50% loại tấm lợp sử dụng sợi thay thế PVA.
Tấm lợp AC được sử dụng rộng rãi ở đô thị, KCN và đặc biệt hữu dụng đối với nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển, phù hợp với khí hậu ven biển có độ mặn cao của Việt Nam...
Bộ Xây dựng với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực vật liệu xây dựng đã ban hành, phối hợp ban hành và trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định về kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng amiăng trắng trong sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam.
Bộ thường xuyên chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá thực trạng việc sử dụng amiăng trắng ở Việt Nam và thế giới, đề xuất các giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng ngày một tốt hơn…
Việt Nam chưa tìm thấy trường hợp người trực tiếp sản xuất bị ung thư do amiăng trắng
Theo đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tất cả các dạng amiăng, bao gồm cả amiăng trắng đều là chất gây ung thư cho người và không có ngưỡng phơi nhiễm an toàn nào được xác định cho các hiệu ứng gây ung thư của amiăng trắng.
Tuy nhiên, theo ông Jonh Anthony Hoskins (Nhà nghiên cứu khoa học người Anh), số bệnh nhân mắc bệnh liên quan đến amiăng được phát hiện hôm nay là kết quả của việc tiếp xúc với amiăng màu trong quá khứ, từ 20 - 40 năm trước.
Khi đó, ở giai đoạn đầu sản xuất công nghiệp, ngành công nghiệp amiăng coi nhẹ hệ quả của bụi amiăng và sự ảnh hưởng của nó đến sức khỏe con người.
Hơn thế, khi WHO nghiên cứu dịch tễ học liên quan đến amiăng, vẫn xem xét đồng thời tất cả các amiăng mà không tách yếu tố ảnh hưởng sức khỏe của từng nhóm amiăng và lại quy toàn bộ trách nhiệm cho amiăng trắng.
Trong khi đó, dẫn nguồn các nghiên cứu tin cậy của các nước, ông Jonh Anthony Hoskins cho biết: Ngày nay tấm lợp AC và các sản phẩm khác chứa amiăng trắng đang được sản xuất với quy trình có kiểm định. Nồng độ sợi trong các nhà máy đang được kiểm soát bởi các điều luật và các quy trình làm việc nghiêm khắc. Nồng độ phơi nhiễm thấp của amiăng trắng trong ngành công nghiệp không gây ra những rủi ro nghiêm trọng nào về bệnh tật…
Tại Việt Nam, theo đại diện Bộ Y tế, bệnh bụi phổi amiăng được công nhận là bệnh nghề nghiệp ở Việt Nam. Đến năm 2008, Việt Nam đã giám định và đền bù 3 trường hợp nhiệm bệnh bụi phổi amiăng. Các bệnh liên đến amiăng khác chưa được thống kê đầy đủ.
Trong giai đoạn 2009 -2011, Bộ Y tế ghi nhận tại 6 bệnh viện 447 trường hợp bệnh nghi ngờ liên quan đến amiăng nhập viện, trong đó 46 trường hợp được chuẩn đoán là ung thư trung biểu mô màng phổi (bệnh ung thư điển hình do amiăng, chiếm 10,3%).
Trong 39 mẫu bệnh phẩm (trong 46 trường hợp chuẩn đoán) gửi sang bệnh viện Hiroshima, Nhật Bản thì có 8 trường hợp được xác định là ung thư trung biểu mô. Tuy nhiên, cả 8 trường hợp này không có trường hợp nào có tiền sử rõ ràng, tiếp xúc nghề nghiệp với amiăng.
Còn theo Giám đốc Bệnh viện Xây dựng Lê Thị Hằng, năm 2002-2003, Trung tâm Y tế xây dựng (nay là Bệnh viện Xây dựng) thực hiện “Nghiên cứu, đánh giá những ảnh hưởng của amiăng đến sức khỏe con người”.
Trên cơ sở nghiên cứu tình hình sức khỏe trên 1.032 công nhân đang sản xuất và hưu trí, Trung tâm Y tế Xây dựng đã kết luận chỉ có 4/1.032 ca (chiếm 0,39%) mắc bệnh bụi phổi amiăng.
Tỷ lệ này rất thấp so với bệnh bụi phổi silic và các bệnh nghề nghiệp khác như bệnh bụi phổi silic ở công nhân khai thác than là 11,62%, công nhân luyện kim đen là 9,7%, công nhân sản xuất xi măng là 11,87%.
Trong 6 năm (2008-2013), Bệnh viện Xây dựng cũng đã triển khai Chương trình Khám bệnh nghề nghiệp và đo môi trường lao động cho 3.590 công nhân các nhà máy tấm lợp AC (những người lao động trực tiếp tiếp xúc với amiang trắng trong sản xuất).
Kết quả hội chẩn 6 năm liên tiếp được công bố bởi Hội đồng đọc phim uy tín cho thấy: Không phát hiện tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiăng trắng.
Những đề xuất khác nhau
Xuất phát từ các góc nhìn khác nhau nên không có có gì ngạc nhiên khi đại diện các tổ chức đưa ra những đề nghị khác nhau. Tiến sỹ Nasir Hasan (Đại điện WHO) cho rằng: Việt Nam nên theo khuyến nghị của WHO dừng sử dụng amiăng bởi những ảnh hưởng của amiăng tới sức khỏe con người.
Bộ Y tế cũng khiến nghị Chính phủ: Đưa nội dung không tiếp tục sử dụng VLXD có chứa amiăng vào quy hoạch phát triển ngành vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; cấm nhập khẩu amiăng nguyên liệu và cấm sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp AC…
Trong khi đó, TS Dmitry Selyanin (chuyên gia Hiệp hội các Công đoàn Amiăng thế giới) thì khuyến nghị: Trong quy hoạch sử dụng vật liệu xây dựng đến năm 2020, Chính phủ Việt Nam không nên cấm sử dụng amiăng trắng.
“Việc sử dụng amiăng màu trong quá khứ đem lại nhiều rủi ro nhưng amiăng trắng thì không liên quan. Amiăng trắng thậm chí bảo vệ con người khi thiên tai, hỏa hoạn… Hiện nay, chưa có sợi ưu việt nào thay thế được amiăng trắng”.
Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam thì kiến nghị Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép sử dụng amiăng trắng có kiểm soát để sản xuất tấm lợp ổn định, lâu dài trong định hướng phát triển ngành vật liệu xây dựng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, để doanh nghiệp có điều kiện, an tâm đầu tư hiện đại hóa công nghệ.
“Với công nghệ xeo ướt, lượng amiăng trắng trong tấm lợp chỉ chiếm khoảng 10% và liên kết chặt với chất kết dính (xi măng) trong sản xuất và suốt vòng đời của sản phẩm, nên không gây ô nhiễm bụi sợi. Bằng việc áp dụng khoa học và công nghệ, tổ chức, quản lý, đào tạo, tuyên truyền, tuân thủ chặt chẽ các quy định của Công ước số 162 của ILO về amiăng, sức khỏe cho người lao động đảm bảo an toàn”, ông Võ Quang Diệm nói.
Cần thêm những bằng chứng khoa học về ảnh hưởng của amiăng Trước những ý kiến nhiều chiều tại hội thảo, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Hồng Tịnh cho biết: Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam nêu rõ quan điểm “Mọi người có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”, do vậy nếu amiăng trắng có hại cho nhân dân thì phải loại bỏ ra khỏi đời sống. Song cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.
Đồng ý với quan điểm đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng: Việc cấm hay không cấm amiăng trắng cần bàn bạc giữa các bộ, ngành trước khi báo cáo Thủ tướng và chắc chắn không riêng bộ nào kết luận được vấn đề này. Trên thế giới cuộc tranh luận giữa hai trường phái cũng đã kéo dài hàng chục năm nay.
Còn hiện tại, Việt Nam là một trong các quốc gia tham gia công ước kiểm soát hóa chất độc hại, Chính phủ nghiêm cấm việc sử dụng amiăng màu trong sản xuất vật liệu xây dựng dưới mọi hình thức, chỉ cho phép sử dụng amiăng trắng để sản xuất tấm lợp AC.
Theo Thứ trưởng Nam, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường Quốc hội, Bộ xây dựng với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng cùng các bộ, ngành khác liên quan cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này, tiếp tục xin ý kiến các nhà khoa học… .
Trên cơ sở các ý kiến khoa học, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ khác đưa ra các giải pháp phù hợp với pháp luật, có lộ trình, trong đó đặc biệt đặt lợi ích của người lao động, cộng đồng và yếu tố môi trường lên trên hết.
Thứ trưởng nhấn mạnh: Các quyết định của Thủ tướng đều cân nhắc kỹ lưỡng, có chứng cứ minh bạch và có sự công bằng, tính toán đến lợi ích của các phía, trong đó sức khỏe người dân là trên hết, nhưng cũng không bỏ qua lợi ích doanh nghiệp.
Nếu có cấm amiăng trắng thì cũng phải viện dẫn cơ sở khoa học và cũng phải có lộ trình vì có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nguồn tài sản lớn và hơn 5 nghìn lao động hiện đang tham gia sản xuất tấm lợp AC. Hơn nữa, ngừng tấm lợp AC mà chưa có sản phẩm thay thế 81- 90 triệu m2 tấm lợp AC/năm không phải điều đơn giản…
Trong khi các bô, ngành xem xét, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị sản xuất phải tuân thù nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn, đặc biệt là vấn đề an toàn trong sản xuất tấm lợp AC.
Tất cả các nhà máy sản xuất công nghiệp và các nhà máy có liên quan đến vật liệu silic phải trang bị bảo hộ lao động đúng tiêu chuẩn và cách ly khu vực nguy hiểm, tác nhân gây độc hại bằng công nghệ tự động, bao che; phát hiện sớm những lỗ hổng trong sản xuất, công nghệ và trong chăm sóc sức khỏe của người lao động.
Thứ trưởng cũng đề nghị các tổ chức nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng ở Việt Nam, hỗ trợ để nghiên cứu, minh chứng rõ ràng hơn về ảnh hưởng của amiăng trắng đến sản xuất và người sử dụng sản phẩm…