Trước ý kiến cho rằng, amiang trắng có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người và môi trường, hội thảo đã đưa ra các cơ sở thực tiễn nhằm lý giải cũng như đề xuất giải pháp trong quản lý sản xuất, sử dụng tấm lợp chứa amiang trắng ở Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: "Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia công ước kiểm soát hóa chất độc hại, Chính phủ đã cấm tuyệt đối sử dụng các chất độc hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng để sản xuất vật liệu xây dựng. Đối với amiang, nghiêm cấm việc sử dụng aming nhóm amfibole (amiang nâu và xanh) trong sản xuất vật liệu xây dựng dưới mọi hình thức, chỉ cho phép sử dụng amiang trắng (cryzotin) để sản xuất tấm lợp".
Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, sợi amiang trắng được sử dụng chủ yếu trong sản xuất tấm lợp amiang – xi măng. Hiện nay, cả nước có 41 cơ sở sản xuất tấm lợp amiang xi măng, năng lực sản xuất khoảng 106 triệu m2/năm và tạo công ăn việc làm cho hơn 5.000 lao động.
Tuy nhiên, tại hội thảo đại diện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam lại đưa ra các dẫn chứng về sự nguy hại của amiang trắng. “Các đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, các loại amiang đều có khả năng tiềm tàng gây ung thư cho con người. Một số nghiên cứu ảnh hưởng của amiang đối với sức khỏe con người ở một số nước Châu Âu, Úc, Nhật Bản nói rằng không có ngưỡng tiếp xúc an toàn với sợi amiang”, đại diện WHO chia sẻ.
Vị đại diện này cũng đưa ra con số cụ thể: “Theo ước tính của WHO năm 2004, có tới 107.000 người chết liên quan tới amiang. Trên thế giới hiện có 54 quốc gia chính thức cấm amiang. Vậy nên, Việt Nam cấm sử dụng amiang là hoàn toàn có căn cứ".
Đại diện Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế) cũng đưa ra những căn cứ cho thấy sự nguy hại từ amiang trắng. Trong danh mục các chất gây độc hàng đầu (CERCLA) do Cơ quan thống kê các chất độc và các bệnh do chúng gây ra (ATSDR) của Hoa Kỳ công bố vào năm 2007 thì amiang amphibole xếp thứ 92, còn chryzotil xếp thứ 119. Như vậy, có 118 chất độc hơn chryzotil, trong đó thạch tín ( arsenic) xếp thứ nhất, chì thứ hai, thuỷ ngân thứ ba và kẽm thứ 73 mà hiện nay con người đang sử dụng và chung sống với chúng, khó có khả năng cấm chúng…
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) lại cho rằng, amiang trắng không gây độc hại và cần tiếp tục cho phép sử dụng trong sản xuất tấm lợp đi kèm với việc kiểm soát chặt chẽ và bảo vệ môi trường nghiêm ngặt. Ông lý giải: "Kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Xây dựng trong suốt 6 năm từ 2008 đến 2014 dựa trên tình hình sức khỏe của 3.600 công nhân trực tiếp tiếp xúc với amiang trắng cho thấy, không có trường hợp bị tổn thương điển hình của bệnh bụi phổi liên quan đến amiang".
Chính những tranh cãi này đã gây nhiều "trắc trở" cho 41 doanh nghiệp đã và đang sản xuất tấm lợp amiang xi măng tại Việt Nam. Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất tấm lợp tại Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi có đến hàng trăm cán bộ công nhân viên vẫn tiếp xúc với amiang trắng mỗi ngày, tất cả đều được khám sức khỏe thường xuyên và chẳng ai chết vì ung thư cả. Nếu nói như vậy thì sẽ khiến cho hàng loạt các doanh nghiệp như chúng tôi gặp nhiều khốn khó”.
Hiện vấn đề có nên chăng việc tiếp tục cho sản xuất amiang trắng tại Việt Nam còn gây nhiều tranh cãi. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng, sẽ đặt vấn đề sức khỏe, lợi ích người dân, doanh nghiệp lên hàng đầu. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ là cơ quan có quyết định cuối cùng về việc có nên hay không nên sử dụng tấm lợp Amiang trắng trên cơ sở các ý kiến được Bộ Xây dựng tổng hợp lại sau hội thảo này./.