Có nên tiếp tục sử dụng amiang trắng tại Việt Nam?

14-04-2014
Amiang trắng độc hại như thế nào, có nên tiếp tục cho phép sử dụng trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng nữa hay không... là những vấn đề gây nhiều tranh cãi tại Hội thảo “Đánh giá thực trạng nhập khẩu, sử dụng amiang trắng để sản xuất tấm lợp ở Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 1/4/2014 vừa qua.

CôngThương - Nhiều tranh cãi trái chiều

Đánh giá về ảnh hưởng của amiang, TS. Gabit - đại diện tổ chức Y tế thế giới (WHO) - thẳng thắn: Việt Nam vẫn là 1 trong 10 nước sử dụng amiang trắng lớn nhất thế giới, đồng thời là 1 trong 7 nước đang phản đối lại việc đưa vào Phụ lục III của Công ước Rotterdam (là Phụ lục các loại hóa chất công nghiệp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc diện phải quản lý đặc biệt). Ở các nước phát triển, họ đã ngưng sử dụng amiang hoàn toàn từ nhiều năm nay.

Bà Lương Mai Anh đến từ Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) đưa ra số liệu cụ thể: trong 46 trường hợp ung thư trung tiểu mô được khảo sát tại bệnh viện K, bệnh viện ung bướu TP. Hồ Chí Minh, phát hiện 6 trường hợp liên quan đến amiang (13%), trong đó 5 trường hợp ở mái nhà lợp bằng tấm lợp phibro xi măng (tấm lợp amiang), 1 trường hợp gần mỏ sắt. “Vì vậy, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét ngưng sử dụng amiang. Đề xuất Việt Nam ký Công ước Rotterdam năm 2015 về việc ngưng sử dụng amiang” - bà Mai Anh cho biết.

Tuy nhiên, TS. Võ Quang Diệm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam đã phân tích: tấm lợp amiang có mặt tại Việt Nam từ năm 1963. Trong 46 trường hợp ung thư trung tiểu mô của Bộ Y tế đưa ra, chỉ có 5 trường hợp nghi do aminang (trừ một trường hợp sống gần mỏ sắt). “Thử hỏi hơn 50 năm nay, hàng triệu người trực tiếp sản xuất và sống dưới các mái lợp amiang, tại sao không bị ung thư? Ung thư có nhiều căn nguyên, việc quy gây kết ung thư do amiang trắng là chưa có cơ sở. Chúng tôi mong các nhà làm khoa học nghiên cứu một cách khách quan để đánh giá lại nguy cơ của amiang đối với sức khỏe con người, trên cơ sở đó tham mưu cho Chính phủ biện pháp hợp lý và đúng đắn nhất” - ông Diệm nói.

Đặc biệt, TS. Lê Thị Hằng - Giám đốc Bệnh viện Xây dựng (Bộ Xây dựng) cung cấp kết quả nghiên cứu trong 10 năm qua lại cho thấy, bệnh nghề nghiệp trong ngành sản xuất tấm lợp thấp hơn so với một số ngành công nghiệp khác.

Tiếp tục cho sử dụng nhưng phải kiểm soát?

Ông Lê Thế Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng cho biết: Việt Nam hiện nay đang có khoảng 41 cơ sở sản xuất tấm lợp amiang xi măng, năng lực sản xuất khoảng 106 triệu m2/năm. Sản xuất tấm lợp amiang là một ngành sản xuất có điều kiện. Vì thế, trong dự thảo trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, Bộ Xây dựng đã đề nghị tiếp tục cho phép sử dụng amiang trắng để sản xuất tấm lợp với điều kiện phải kiểm soát chặt chẽ.

Trước các quan điểm trái chiều và chưa đủ cơ sở thuyết phục, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh: chúng ta không phủ nhận những lợi ích về kinh tế của amiang nhưng vấn đề ảnh hưởng sức khỏe phải được đánh giá lại bằng những nghiên cứu thực tiễn tại Việt Nam và cập nhật các nghiên cứu khác trên thế giới. Từ đó, các bộ, ngành sẽ thống nhất và trình Chính phủ một phương án khả thi nhất cho việc có nên tiếp tục sử dụng amiang trắng trong sản xuất tấm lợp hay không?.

Nguyễn Duyên - Báo Công thương

TIN MỚI ĐĂNG